CỔNG THÔNG TIN LÀNG THÔNG MINH

Xây dựng nông thôn mới phải thực chất, gắn với việc làm, thu nhập cho người dân

Tác giả - T. Thành  |  Ngày 31/10/2023

Tại phiên thảo luận sáng nay, 30.10, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nông thôn mới cái đích đầu tiên là phải làm cho đời sống nhân dân được nâng lên, do đó, cần phải xây dựng một cách thực chất, gắn với việc làm và nâng cao thu nhập để cuộc sống nông thôn tiệm cận dần với khu vực đô thị.

Còn chần chừ, không muốn đạt chuẩn nông thôn mới

Đánh giá về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đa số ĐBQH cho rằng, kế thừa và phát huy kết quả các giai đoạn trước, phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước đã bám sát mục tiêu: “gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững”. Một số địa phương đã chủ động nghiên cứu, ban hành các chính sách đặc thù, có cách làm hay, mô hình tốt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân…

Nhờ đó, tính đến 30.6.2023, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Tuy nhiên, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, vẫn còn một số địa phương chưa ban hành tiêu chí nông thôn mới phù hợp với vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Cùng với đó, việc giải ngân vốn còn chậm, vốn đối ứng cao, gây khó khăn cho các tỉnh có thu nhập thấp, xã được công nhận nông thôn mới hoặc nâng cao chưa thực sự bền vững, còn nợ tiêu chí, còn nặng thành tích. Đối với các xã khu vực II, khu vực III khi đạt chuẩn nông thôn mới thì không còn được hưởng các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước nên một số nơi có biểu hiện chần chừ, không muốn phấn đấu đạt chuẩn, thậm chí có xã đến ngưỡng rồi mà vẫn chần chừ.

Cần điều chỉnh các tiêu chí 

Mục tiêu xây dựng nông thôn mới là sự phát triển của các địa phương, cuộc sống của người dân được cải thiện và nâng cao. Nhấn mạnh như vậy, ĐBQH Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) nêu rõ, vấn đề cử tri và người dân khu vực nông thôn quan tâm là phải xây dựng nông thôn mới một cách thực chất, gắn với việc làm và nâng cao thu nhập để cuộc sống tiệm cận dần với khu vực đô thị.

ĐB Nguyễn Văn Huy cũng nêu rõ, việc nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn cần được chú trọng từ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với những mô hình nông nghiệp mới, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh gắn với chuỗi ngành hàng, từ công nghệ, sau thu hoạch, phân loại, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường. Đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo thúc đẩy việc triển khai thực hiện thực chất và mạnh mẽ chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững. Tăng cường các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, như: hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất, nâng cao hiệu quả, bảo đảm phát triển bền vững, thúc đẩy hợp tác, liên kết phát triển chuỗi giá trị…

Chỉ ra tình trạng lĩnh vực nông nghiệp chưa được doanh nghiệp quan tâm đầu tư do hiệu quả thấp, ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị, cần có chính sách khuyến khích ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đồng thời, nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp có hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị.

Ở góc độ khác, ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) đề nghị, cần phải xem xét lại các tiêu chí đã ban hành và điều chỉnh cho phù hợp, bởi nhiều tiêu chí hiện không phù hợp như nước sạch, nhà văn hoá xã… Bên cạnh đó, cần xem lại việc phân bổ kinh phí hàng năm luôn luôn chậm, việc này không chỉ xảy ra ở giai đoạn 2021 – 2025 mà cả những giai đoạn trước nhưng không được khắc phục triệt để, gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng triển khai ở địa phương, cơ sở.

Từ nay đến cuối năm 2025 chỉ còn hơn 2 năm tuy nhiên nhiều tiêu chí rất quan trọng lại khó về đích, còn cách xa chỉ tiêu đặt ra như: Tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; tiêu chí về thu nhập; tiêu chí giảm nghèo đa chiều… Nhấn mạnh điều này, ĐB Trần Quang Minh cho rằng, đây là các tiêu chí hết sức quan trọng liên quan đến đời sống nhân dân nên cần phải được ưu tiên đầu tư, chú trọng, vì suy cho cùng đích đến đầu tiên của nông thôn mới là phải làm cho đời sống nhân dân được nâng lên.

TIN LIÊN QUAN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đăng ký nhận bản tin