Loài sâu hại rất phổ biến và nguy hiểm nhất trên cây xoài là sâu đục thân (xén tóc đục thân). Sâu trưởng thành là một loài xén tóc có tên khoa học là Plocaederus ruficoruis, thuộc họ Cerambycidae, Bộ Coleoptera. Loài này gây hại trên cả cành và thân cây làm chết nhánh hoặc chết cả cây. Trưởng thành có thân mình cứng, màu nâu sậm, dài khoảng 30-35mm. Râu đầu cứng và dài hơn cơ thể. Con cái đẻ trứng rời rạc trên gốc cành và các vết nứt trên vỏ cây. Ấu trùng màu trắng, dài khoảng 50-60mm. Khi nở ra, ấu trùng chui qua vỏ vào trong đục thành đường hầm ngay dưới vỏ cây. Khi lớn sâu đục vào trong phần gổ của thân chính hoặc các cành lớn, có thể làm gãy cành khi gió mạnh. Ấu trùng đủ lớn chui ra làm nhộng ngay ở dưới vỏ cây. Nhộng được bao bọc bởi một kén trắng to, có cấu tạo bằng calcium rất cứng. Trong một cây có thể có nhiều con gây hại cùng một lúc. Loài này thường tấn công cây lớn khoảng 10 năm tuổi. Rất khó để phát hiện triệu chứng gây hại vì loài này trong quá trình ăn không thải phân ra ngoài, thường chỉ phát hiện khi thấy trên thân, cành có những lổ đục nhỏ và có mủ chảy ra, lúc đó ấu trùng đã vũ hóa.
Triệu chứng cây xoài bị sâu đục thân phá hại. |
Trưởng thành sâu đục thân xoài. |
Ấu trùng sâu đục thân xoài. |
Để quản lý sâu đục thân nên áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp như: Hàng năm sau thu hoạch nên tỉa cành tạo thông thoáng vườn; Cưa bỏ các cành nhánh bị hại đem tiêu hủy để loại bỏ trứng ấu trùng và nhộng của sâu; Thường xuyên thăm vườn để phát hiện sự hiện diện của sâu vì khi quá trễ, ấu trùng chui sâu vào bên trong rất khó phòng trị; Đối với sâu đục thân áp dụng biện pháp thủ công có hiệu quả cao, dùng dao nhỏ khoét ngay lổ đục sẽ thấy sâu nằm bên trong, bắt sâu và nhộng tiêu diệt hoặc dùng bông gòn thấm thuốc trừ sâu (nên dùng các loại thuốc có tính lưu dẫn hoặc xông hơi) nhét vào lổ đục và lấy đất sét trám bít lại.
Trái xoài bị thối sau khi sâu đục trái xâm nhiễm. |
Vết đục của sâu đục trái từ chóp trái. |
Bên cạnh sâu đục thân thì sâu đục trái khá phổ biến trên xoài, chúng ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Trưởng thành của sâu đục trái (Deanolis Albizonalis) là một loài bướm đêm màu xám nâu, chiều dài thân khoảng 14-15mm trên cánh có những vệt nâu đen gấp khúc. Sâu non có những khoang trắng đỏ xen kẻ. Thành trùng sâu đục trái đẻ trứng rời rạc trên vỏ trái non, thường đẻ trứng ở gần cuống trái hoặc nơi tiếp giáp giữa các kẻ trái. Khi mới nở sâu chưa đục ngay vào trái mà nằm dưới vỏ xoài để ăn phá, sau đó mới đục vào chóp trái. Sâu đục trái thường gây hại trên trái xoài non 30-45 ngày sau khi tượng trái (đường kính trái 3-4cm). Sâu tuổi nhỏ thường ăn thịt trái, sâu tuổi lớn ăn hột non, trái rụng vẫn còn sự hiện diện của sâu bên trong. Khi trái bị đục, ở chóp trái có chất lỏng tiết ra từ vết đục, sau đó sẽ có chấm đen nhỏ và dần dần chấm đen này lan rộng ra. Thoạt nhìn, nông dân có thể lầm tưởng là triệu chứng của bệnh. Ngoài ra, từ vết đục của sâu còn tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn phát triển làm trái xoài bị thối nhanh, vết thối bắt đầu từ phần đít trái đi lên (phân biệt với bệnh thối trái thì vết thối từ trên cuống trái lan xuống). Khi sâu vào bên trong ăn hết phần hột, chúng sẽ di chuyển sang những trái khác. Trái xoài bị sâu đục trái phá hại thì phần chóp trái có thể bị biến dạng, cong lại. Nếu sâu phá hại lúc trái nhỏ thì làm trái rụng, nhưng ở giai đoạn trái lớn mặc dù bị thối nửa trái, trái vẫn còn dính trên cây. Sâu đục trái gây hại quanh năm nhưng phát triển mạnh nhất là vào mùa nắng. Để phòng trừ sâu đục trái nên thu gom những trái bị sâu đem tiêu hủy để diệt sâu; Bao trái là biện pháp hiệu quả để ngừa sâu đục trái; Khi phát hiện sự xuất hiện của sâu, sử dụng các loại vi sinh như Vi BT 32000 WP, Biocin 16 WP, Dipel 3,2 WP. Khi sâu đã lớn chui vào trong trái thì việc phun thuốc kém hiệu quả mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Trong mùa nắng nóng, rệp dính thường phát triển và gây hại mạnh trên xoài. Rệp dính gây hại chủ yếu trên cành, thân và trái. Thường nông dân lầm tưởng là nấm bệnh gây hại vì chúng sống cố định bám chặt trên cành, thân, thoạt nhìn giống như bột rắc. Ấu trùng và thành trùng chích hút nhựa làm thân cây bị khô nứt, cây sinh trưởng kém, nếu mật số cao cành bị chết khô. Trên trái chúng làm cho trái chậm phát triển, vỏ trái bị rệp bám đầy những lấm tấm trắng, giảm phẩm chất. Phân của rệp thải ra còn tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển. Đối với nhóm rệp gây hại xoài nên áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp trên cơ sở chọn giải pháp an toàn và bền vững. Sau thu hoạch nên tỉa cành, vệ sinh vườn cho thông thoáng, dọn dẹp những cây hoang dại trong vườn; Nuôi kiến vàng trong vườn là biện pháp phòng trừ sinh học hiệu quả cao; Trồng mật độ hợp lý, không nên trồng quá dày; Trong mùa nắng nên dùng máy bơm tưới phun lên tán cây có hiệu quả hạn chế mật độ rệp; Loại bỏ và tiêu hủy các bộ phận bị nhiễm rệp nặng; Thăm vườn thường xuyên, sớm phát hiện rệp dính xuất hiện trên thân, cành và trái; sử dụng một số loại thuốc có tính lưu dẫn, thấm sâu (nhóm thuốc có hoạt chất Spirotetramat, Imidacloprid, Chlopyrifos,…), có thể phun Dầu khóang phối hợp với thuốc hóa học.
Rệp dính gây hại trên cành. | ||
Trái xoài bị rệp dính gây hại.
|
Bệnh gây hại trên xoài phổ biến nhất là bệnh thán thư. Bệnh do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra, nấm bệnh phá hại trên cả lá, đọt, bông và trái. Trên lá non, bệnh thường có những đốm góc cạnh màu nâu đỏ, lớn khoảng 3-5mm, vết bệnh về sau khô đi và rách nên lá bệnh có nhiều vết thũng xơ xác, nhăn nhúm, dễ rụng. Trên chùm hoa, nấm tạo thành những chấm đen nhỏ trên cuống hoa làm hoa bị khô đen và rụng. Triệu chứng trên trái bệnh có những đốm đen hơi tròn, lõm vào vỏ, thịt trái bên trong đốm bệnh thường bị chai khô và dính theo vỏ khi lột. Mầm bệnh có thể tấn công trái non, trái lớn và cả trái sau thu hoạch, tồn trữ rất thường dễ bị nhiễm. Bệnh lây lan, phát triển mạnh khi trời mưa nhiều, ẩm độ không khí cao. Để hạn chế sự phát triển bệnh thán thư nên quan sát giai đoạn ra đọt non, hoa và trái non, khi phát hiện bệnh nên thu gom và tiêu hủy những bộ phận bị bệnh để tránh lây lan; Bón phân cân đối nhất là tránh bón thừa đạm; Tỉa cành, tạo tán để tạo thông thoáng vườn cây, giảm ẩm độ trong vườn; Khi phát hiện bệnh phun nhóm thuốc có hoạt chất Propineb (Antracol 70WP) hoặc Azoxystrobin (Amistar 250SC) hoặc Imibenconazole (Manage 15WP),…
Triệu chứng bệnh thán thư gây hại trên đọt non. |
Bệnh thán thư gây hại trên trái. |
Để trồng xoài đạt năng suất mang lại hiệu quả kinh tế cao đòi hỏi nhà vườn phải quan tâm chăm sóc tốt và thường xuyên thăm vườn phát hiện sâu bệnh phòng trừ kịp thời nhất là trong thời kỳ ra hoa, đậu trái.