Anh Nguyễn Văn Vương chia sẻ: “Mô hình giúp tôi giảm 50% lượng giống gieo sạ, lúa đạt năng suất. Việc tận dụng vịt, cá trên đồng tiêu diệt sâu bọ hại lúa giúp giảm chi phí sử dụng phân thuốc phun xịt. Bên cạnh đó, vận dụng mùa nước lũ không sạ lúa để nuôi cá đồng giúp tôi nâng cao thu nhập gấp 3 lần so với trồng lúa đơn thuần từ trước đến nay”.
Thực hiện dự án, anh Vương lên liếp, đào ao để trữ cá đồng
Gia đình anh Vương có 3ha đất trồng lúa, mỗi năm canh tác 2 vụ lúa nhưng thu nhập mang lại chưa đạt như mong đợi do giá lúa bấp bênh, chi phí sản xuất cao. Năm 2019, được ngành nông nghiệp huyện khuyến khích thực hiện mô hình sinh kế mùa lũ kết hợp nuôi vịt – cá trên nền đất lúa với mức hỗ trợ 50% chi phí cùng với việc nhận thấy hiệu quả từ mô hình, anh Vương đăng ký và thuê 10ha đất để thực hiện mô hình.
Bắt tay thực hiện mô hình, anh Vương lên đê bao lửng xung quanh diện tích 10ha và đào 2 ao để trữ cá đồng, phía trên ao làm chuồng nuôi vịt. Anh Vương nói: “Năm 2019, do năm đầu thực hiện nên chủ yếu vừa làm vừa “thăm dò” vì mô hình còn mới. Mặt khác, việc kết hợp các loại với nhau cần phải tạo sự kết nối”. Năm đầu, do chưa có kinh nghiệm nên anh Vương chủ yếu cho cá đồng tự nhiên vào nuôi. Tuy nhiên, năm đó lũ về ít, cá đồng không nhiều nên lợi nhuận thu được chưa cao, khoảng 120 triệu đồng/10ha. Rút kinh nghiệm vụ đầu, vụ thứ 2, anh ương thêm cá lóc trong ao để vào tháng 10 âm lịch, nước lũ rút sẽ thả cá ra ruộng kết hợp cùng lượng cá đồng từ ngoài vào để tăng sản lượng. Với cách làm trên, vụ thứ 2, anh thu nhập trên 200 triệu đồng.
Đối với vịt, mỗi vụ lúa anh thả 3.000 con, chia làm 2 đợt. Đợt đầu, sau khi gieo sạ 10 ngày, lúc rễ lúa đã vững, anh thả vịt vào. Vịt được thả liên tục trong 75 ngày, sau đó sẽ xuất bán. Tùy thuộc vào thị trường, nếu giá vịt trên 40.000 đồng/kg, người nuôi mới có lời, do vịt chủ yếu được nuôi bằng thức ăn. Riêng đối với đợt vịt thứ hai, khi lúa còn khoảng hơn 10 ngày nữa thu hoạch, anh tiến hành cho ấp vịt trong chuồng. Khi vịt được gần 20 ngày sẽ thả ra đồng ăn lúa đổ.
Anh Vương trữ cá đồng trong ao và kéo bán dần mỗi ngày
Theo anh Vương, lợi ích của việc nuôi vịt trong mô hình đó là số lượng vịt ít bị hao hụt so với nuôi chạy đồng. Phân vịt trực tiếp là phân hữu cơ bón ruộng, cũng là thức ăn cho cá, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các loài sâu rệp, ốc bươu và địch hại được vịt, cá diệt trừ, từ đó giảm chi phí sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu.
Hiện với mô hình này, mỗi năm 2 vụ lúa, anh Vương nuôi 6.000 con vịt (chia làm 4 đợt), vịt được xuất bán mỗi vụ 2 lần, cá đồng được trữ trên ao được bán quanh năm. Đối với canh tác lúa, nhờ giảm được lượng giống, phân và không dùng thuốc trừ sâu nên giảm được 30% chi phí sản sản xuất. Tính chung, hàng năm, doanh thu cả mô hình lên đến vài trăm triệu đồng.
Anh Vương phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, nguồn thu chủ yếu là lúa thương phẩm còn hiện tại nguồn thu mang lại trên cánh đồng này lên đến ba loại là lúa, cá, vịt. Điểm nhấn của mô hình là tận dụng đặc điểm sinh trưởng của mỗi loại để hỗ trợ cho sự phát triển của nhau”.
Theo anh Vương, dù kế hoạch dự án chỉ hỗ trợ đến năm 2022 nhưng anh vẫn tiếp tục thực hiện mô hình này. Về lâu dài, đây là mô hình ưu việt, nông dân không thể độc canh cây lúa mà phải biết kết hợp các yếu tố trên đồng ruộng nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho gia đình…
Anh Vương chăm sóc đàn vịt con chờ khi lúa thu hoạch sẽ thả ra đồng ăn lúa đổ
Ông Nguyễn Anh Tàu – Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông cho biết, trên địa bàn huyện có 6 hộ tham gia dự án sinh kế mùa lũ. Trong đó, 2 loại hình thực hiện chủ yếu là cá đồng – lúa – vịt và cá chạch lấu – lúa – vịt. Qua đánh giá, các mô hình này đều cho kết quả rất tốt. Thay vì trước đây, nông dân chỉ có một nguồn thu từ lúa, hiện nay có thêm nguồn thu từ vịt, cá mang về lợi nhuận từ khoảng 70-80 triệu đồng/ha (vụ đông xuân).
Từ hiệu quả mô hình, hiện địa phương đang tiếp tục nhân rộng ra những vùng có điều kiện phù hợp. Kế hoạch đến năm 2022 có trên 7.600ha ô bao sản xuất 2 vụ nhằm tận dụng tối đa lợi thế mùa lũ để nuôi cá đồng. Bên cạnh đó, địa phương đang hỗ trợ các vùng lúa tham gia dự án đăng ký chứng nhận lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP và kêu gọi các doanh nghiệp liên kết thực hiện chuỗi giá trị bền vững. Mục tiêu nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông dân vùng dự án, từ đó lan tỏa mô hình với quy mô rộng lớn hơn, giúp nông dân có thu nhập khá trên diện tích trồng lúa của mình.