Vừa qua, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Hội thi Gạo ngon Đồng Tháp lần thứ hai nhằm tìm ra sản phẩm gạo đạt chất lượng cao, sản xuất theo quy trình an toàn, hữu cơ để tiến đến xây dựng thương hiệu gạo. Qua hội thi, Ban tổ chức đã chọn ra 11 loại gạo ngon để trao giải. Các mẫu gạo được test kiểm định, phân tích đầu vào và đảm bảo tiêu chí an toàn. Riêng các đơn vị công ty, doanh nghiệp có sản phẩm gạo đạt giải đều liên kết với nông dân trong tỉnh để xây dựng vùng nguyên liệu.
Trong ngày đầu xuân mới Nhâm Dần 2022, mời quý độc giả cùng tìm hiểu về 02 sản phẩm gạo đạt giải Nhất Hội thi Gạo ngon Đồng Tháp.
Gạo an toàn Huỳnh Kiểm
Ở nhóm 1, hộ cá thể, Tổ hợp tác, các Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh lúa, gạo trong tỉnh Đồng Tháp, hộ ông Huỳnh Văn Kiểm (xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự), với sản phẩm Gạo an toàn Huỳnh Kiểm đã đạt giải Nhất Hội thi.
Nông dân Huỳnh Văn Kiểm với sản phẩm gạo đạt giải do chính anh làm ra
Ở tuổi 42, nông dân Huỳnh Văn Kiểm có thâm niên gần 20 năm trồng lúa. Với 10 ha nằm trong ô bao sản xuất 02 vụ ở huyện đầu nguồn, năm 2019 anh Kiểm tham gia mô hình sinh kế mùa lũ 02 lúa – 01 cá. Mô hình thuộc tiểu Dự án Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười (Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long).
Thay vì trồng 03 vụ lúa trong năm, anh Kiểm chỉ trồng 02 vụ, vụ thứ ba (Thu Đông) đúng vào mùa nước về, anh nhử cá đồng vào ruộng và thả thêm một vài loại cá để nuôi. Sau khoảng 10 tháng, cá lớn và bắt đầu thu hoạch. Như vậy, ngoài nguồn thu nhập từ lúa, trên cùng diện tích ấy, anh Kiểm còn có thêm thu nhập từ lượng cá được nuôi trên ruộng (07 tấn cá/vụ) như: Cá lăng, cá mè vinh, cá linh v.v..
Nhờ nuôi cá trên ruộng lúa nên lượng phân bón, thuốc trừ sâu, rầy mỗi vụ đều giảm rõ rệt (khoảng 30%) – nông dân Huỳnh Văn Kiểm chia sẻ và phấn khởi cho biết, đó cũng là “bí quyết” để có được hạt gạo ngon, chất lượng và an toàn.
Hiện lúa OM18 của anh Kiểm đã xuống giống gần 60 ngày. Năm nay anh trồng thêm bông trang để thu hút thiên địch – loài côn trùng ăn sinh vật gây hại cho lúa
Vụ lúa vừa rồi, sau khi thu hoạch xong, anh Kiểm giữ khoảng 06 tấn để xay thành gạo, đóng gói và đăng ký nhãn hiệu gạo của cơ sở Huỳnh Kiểm để bán ra thị trường. Hiện toàn bộ số gạo đã được bao tiêu.
Anh Kiểm cho biết thêm, sắp tới sẽ mở rộng thêm diện tích trồng lúa theo mô hình này và tiếp tục giảm lượng phân, thuốc để vừa đảm bảo an toàn cho hạt gạo, vừa giảm chi phí sản xuất và hướng đến sản xuất lúa hữu cơ. Giữ gìn và tiếp tục phát huy thành tích “Giải Nhất Hội thi Gạo ngon Đồng Tháp” cũng chính là quyết tâm của người nông dân Huỳnh Văn Kiểm trong năm 2022 này.
ST24 trên Đất Sen hồng
ST24 vốn là loại gạo ngon có tiếng ở đấu trường thế giới và thích hợp nhất với vùng đất luân canh tôm – lúa. Thế nhưng, với tiềm năng lớn của ST24, Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lương Thực Hồng Tân (HongTanFood, thành phố Sa Đéc) đã phát triển giống lúa này trên đất Đồng Tháp.
Bà Lưu Thị Yến Hằng với sản phẩm gạo ST24 đạt Giải Nhất hội thi, ở nhóm các công ty, doanh nghiệp, cơ sở chế biến, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo trong tỉnh
Theo bà Lưu Thị Yến Hằng – Giám đốc Chi nhánh HongTanFood, đơn vị được chia sẻ từ giống lúa ST24 (giống xác nhận 1, từ Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí) để canh tác hợp pháp và cho ra thị trường gạo thương phẩm ST24.
Đặc điểm của hạt gạo ST24 là nhỏ, thon, dài từ 7,5 đến 8,5mm, không bạc bụng, phẩm chất gạo tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Mặt gạo nhìn đẹp, rất phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Cơm nấu lên rất mềm và dẻo, có mùi thơm khá đặc trưng.
Thích ứng với sự phát triển của địa phương, HongTanFood đã xây dựng riêng cho mình vùng nguyên liệu tại các huyện trong tỉnh như: Châu Thành, Cao Lãnh, Thanh Bình, Tân Hồng, Lấp Vò và các tỉnh lân cận. Trong quá trình canh tác lúa, HongTanFood luôn áp dụng theo qui trình SRP (một quy trình an toàn và theo hướng hữu cơ); luôn có sự kiểm soát nghiêm ngặt từ khâu liên kết sản xuất với người nông dân, với doanh nghiệp đến chế biến gạo thành phẩm ra thị trường, tất cả đều hướng đến chất lượng của từng hạt gạo. Qua trồng thử nghiệm trên đất Đồng Tháp cho thấy hạt gạo vẫn giữ nguyên chất lượng, do đó Công ty tiếp tục liên kết với các hợp tác xã để tăng thêm diện tích sản xuất.
Minh chứng cho chất lượng của gạo ST24 trên Đất Sen hồng đó là sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và được chứng nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn của tỉnh Đồng Tháp năm 2021. Trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 này, 22 tấn gạo ST24 của HongTanFood đã tiêu thụ hết.
Lúa ST24 được HongTanFood liên kết trồng tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp
Tân Bình, huyện Thanh Bình
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/Trưởng ban Tổ chức Hội thi Gạo ngon Đồng Tháp lần thứ hai, Hội thi được tổ chức với mục tiêu phát hiện những giống lúa có chất lượng, sản xuất đảm bảo đúng quy trình an toàn, xây dựng nên thương hiệu gạo ngon Đồng Tháp.
Đây cũng là cơ hội để liên kết giữa nhà nông lai tạo giống lúa với các nhà sản xuất, nhà kinh doanh, để cùng chung tay góp phần nâng cao chất lượng, đưa hạt gạo của tỉnh nhà ngày càng vươn xa hơn.
Ở nhóm 1 dành cho hộ cá thể, tổ hợp tác, các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh lúa, gạo trong tỉnh Đồng Tháp có 07 sản phẩm gạo đạt giải gồm: Gạo an toàn Huỳnh Kiểm, Gạo Lứt đen X, Gạo Huyết rồng, Gạo Ngọc đỏ hương dứa; Gạo Nghĩa Nhân; Gạo thơm đặc sản Nha Mân; Gạo thơm an toàn. Ở nhóm 2, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở chế biến, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo trong tỉnh Đồng Tháp, các sản phẩm đạt giải: Gạo ST24; Gạo Ban Mai – Gạo Thơm Thượng Hạng; Gạo Thần Nông Xanh; Gạo thơm Phương Minh. |
Nguyệt Ánh