Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long vừa bình chọn công nhận và tái công nhận hai “Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2023” là Khu Di tích Gò Tháp tại huyện Tháp Mười và Khu Du lịch Sinh thái Gáo Giồng tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Khu Di tích Gò Tháp, điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng Sông Cửu Long hội tụ ba loại hình di tích kiến trúc, di tích cư trú và di tích mộ táng.
Đây còn là những chỉ dấu quan trọng về các phương diện lịch sử, chính trị, kinh tế, nghệ thuật, tôn giáo của nền văn minh cổ xưa, rực rỡ gắn với Vương quốc Phù Nam của mấy nghìn năm trước.
Ngoài giá trị khảo cổ, lịch sử, Gò Tháp được xem là tâm điểm của vùng Đồng Tháp Mười, một trong số ít nơi còn lưu giữ nét hoang sơ của thiên nhiên, với những thảm thực vật phong phú đặc trưng của vùng đất ngập nước.
Hiện nay, Gò Tháp được tỉnh Đồng Tháp quy hoạch tổng thể với diện tích 300ha. Nơi đây hiện còn quần thể di tích của Vương quốc Phù Nam cách đây hơn 1.500 năm; có hai di tích thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cùng nhiều tầng hóa dân gian.
Tại đây, tỉnh Đồng Tháp đang xây dựng thêm công trình Khu Di tích Xứ ủy Nam Bộ và đã sưu tầm được hàng ngàn tư liệu, hình ảnh và hiện vật phục vụ cho công tác trưng bày.
Công trình Thiền viện Trúc Lâm Tháp Mười được xây dựng trên 12 ha với các hạng mục Thiền viện (bao gồm khu Chánh điện, lầu chuông, lầu trống, công trình phụ trợ, khu thiền thất, tượng Quan âm, 3 cổng tam quan). Bảo tháp Định Quốc đã được tổ chức đặt đá xây dựng vào ngày 21/1/2018.
Khu Di tích Gò Tháp kết hợp với Đồng Sen Tháp Mười sẽ thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh với chủ đề “Vương quốc sen và văn hóa tâm linh,” là điểm đến không thể thiếu trong hành trình về miền Tây Nam Bộ đối với du khách trong nước và quốc tế, góp phần thực hiện thành công đề án phát triển du lịch và đề án “ Tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp.”
[Đồng Tháp quy hoạch khu bảo tồn các giống tre Việt Nam]
Ông Ngô Văn Thái, nguyên Giám đốc Khu di tích Gò Tháp, cho biết hàng năm, Khu Di tích Gò Tháp có hai kỳ lễ hội lớn, lễ hội truyền thống dân gian là Vía Bà Chúa Xứ (rằm tháng Ba âm lịch) và tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều (Rằm tháng 11 âm lịch).
Bình quân, mỗi kỳ lễ hội có hơn 400.000 lượt người đến viếng, tham quan.
Khu Du lịch Sinh thái Gáo Giồng (thuộc ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) có tổng diện tích rừng gần 1.600ha; trong đó có 1.200ha là rừng tràm.
Ông Huỳnh Thanh Hiền, Trưởng ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng, cho biết nơi đây không chỉ bảo vệ tràm mà còn bảo vệ hơn 100 loài chim sinh sống và làm tổ như Cò nhạn, Cò trắng, Cồng cộc, Nhan điển, Nhan sen, Diệc, Vạc…; trong đó có hai loại quý hiếm trong Sách Đỏ Việt Nam là Cò nhạn và Nhan điển.
Do vậy, rừng tràm được xem là vườn chim lớn nhất ở tỉnh Đồng Tháp và là nơi bảo tồn hơn 68 giống tre Việt Nam như tre gai, tre tầm vông, sọc vàng, tre hoa hậu, tre diễn đá, tre vầu, tre lò ô vàng… vừa được sưu tầm trong nước đưa về trồng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết xác định du lịch tiếp tục là ngành kinh tế quan trọng, tỉnh sẽ ban hành nghị quyết mới về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025; đồng thời, khuyến khích người dân khởi nghiệp du lịch với gắn với chuyển đổi số, hình thành các tour, tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh.
Địa phương tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước; xây dựng cơ chế thông thoáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế và người dân tham gia đầu tư phát triển du lịch; cải thiện cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch và chất lượng các sản phẩm hiện có đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách./.