CỔNG THÔNG TIN LÀNG THÔNG MINH

Tái cơ cấu nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp: mô hình đột phá đề chuyển đổi từ "sản xuất nông nghiệp" thành "kinh tế nông nghiệp"

Tác giả - Nguyễn Thanh Sơn  |  Ngày 10/05/2023

Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN) của tỉnh trên tinh thần chủ động, quyết liệt, đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã có những bước chuyển tích cực, với kết quả nổi bật là sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp thuần túy” sang phát triển “kinh tế nông nghiệp”.

Những kết quả bước đầu trong quá trình TCCNN đã để lại những bài học kinh nghiệm quý, tạo nền tảng để Đồng Tháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế chung của tỉnh theo định hướng phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tới.

Tư duy đột phá

Là tỉnh thuần nông thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2005 – 2015, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh có xu thế giảm dần, xuất phát từ tình trạng nhiều năm chú trọng tăng trưởng theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào kinh tế hộ, manh mún, thiếu tính liên kết, năng suất, chất lượng và giá trị thấp. Trong giai đoạn này, sản lượng các sản phẩm chủ lực của tỉnh là lúa gạo, cá tra vẫn tăng, nhưng tính ổn định và hiệu quả sản xuất không cao. Do vậy, khả năng cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp có chiều hướng đi xuống. Năm 2011, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt của tỉnh chỉ đạt 88,82 triệu đồng/ha, thấp hơn mức bình quân chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long (91,1 triệu đồng/ha).

Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Tháp xác định nhiệm vụ cấp thiết là phải nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp trên cơ sở thực hiện khâu đột phá là TCCNN toàn diện và xem đây là nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2015 – 2020. Ngày 30-6-2014, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định số 591/QĐ-UBND.HC “Phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”. Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện đề án TCCNN theo định hướng thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.

Đề án TCCNN của tỉnh Đồng Tháp được triển khai với định hướng chung là: “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh trên cơ sở cơ cấu lại nội bộ ngành, cơ cấu lại lao động, tăng cường áp dụng khoa học – công nghệ, quy hoạch đồng bộ với kết cấu hạ tầng hiện đại; gắn sản xuất với tiêu thụ trên cơ sở phát huy vai trò của kinh tế hợp tác, liên kết đa dạng. Mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, phát triển bền vững”. Tỉnh nhất quán 6 quan điểm trong TCCNN là: 1- Lấy TCCNN làm trọng tâm tái cơ cấu kinh tế chung của tỉnh; 2- TCCNN theo cơ chế thị trường dựa trên các ngành hàng có lợi thế, chú trọng đáp ứng các yêu cầu về xã hội, môi trường; 3- Nhà nước làm tốt vai trò kiến tạo, phát triển thông qua đổi mới cơ chế, chính sách, thể chế,… tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động; 4- Lấy khoa học – công nghệ và đổi mới quan hệ sản xuất làm động lực tăng trưởng kinh tế nông nghiệp; 5- Sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiện đại hướng về xuất khẩu; 6- Lấy liên kết sản xuất và tiêu thụ làm trung tâm của quá trình TCCNN(1). Từ định hướng và quan điểm đó, tỉnh lựa chọn các ngành hàng chủ lực để tổ chức tái cơ cấu sản xuất và phát triển là: lúa gạo, cá tra, hoa kiểng, xoài, sen; đồng thời, tiến hành phân bổ lại lao động nông thôn cho phù hợp với tiến trình tái cơ cấu sản xuất các ngành hàng chủ lực đã đề ra.

Với mục tiêu phát triển ngành hàng lúa gạo thành ngành xuất khẩu chủ lực, có chất lượng, giá trị gia tăng cao đáp ứng nhu cầu thị trường, tỉnh đã quy hoạch vùng chuyên canh, cải thiện cơ cấu giống, tăng quy mô sản xuất, áp dụng cơ giới hóa, tăng cường liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Cùng với việc tăng diện tích giống lúa xác nhận, giống lúa chất lượng cao, lúa thơm đặc sản, tỉnh khuyến khích nông dân áp dụng rộng rãi quy trình sản xuất lúa tiên tiến, bền vững, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và tương đương, canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất lúa hữu cơ; thúc đẩy chế biến tinh, chế biến sâu các sản phẩm từ lúa gạo, chế biến phụ phẩm, cải thiện công tác vận tải, hậu cần, tiếp thị, xây dựng thương hiệu lúa gạo Đồng Tháp, chủ động kết nối sản xuất với thị trường…

Đối với ngành hàng cá tra, tỉnh rà soát quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu gắn với cụm công nghiệp – dịch vụ phục vụ sản xuất, áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến và thân thiện môi trường, tạo đột phá từ cải thiện 2 khâu là giống và thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghệ chế biến sâu, tổ chức lại Hiệp hội ngành hàng cá tra để cải thiện căn bản quan hệ giữa các doanh nghiệp cùng ngành hàng với nhau, giữa doanh nghiệp với người nuôi cá, kết hợp với nghiên cứu phát triển thị trường trong và ngoài nước. Tỉnh khuyến khích và tạo nhiều điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cấp, đổi mới dây chuyền chế biến cá tra theo hướng tăng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ các phần còn lại của cá tra sau phi lê…

Xác định ngành hàng xoài là một mũi nhọn, cùng với việc áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và các tiêu chuẩn kỹ thuật bền vững tại vùng chuyên canh xoài, tỉnh chú trọng cải tiến giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản, chế biến và xây dựng thương hiệu xoài Đồng Tháp ở thị trường trong và ngoài nước. Tỉnh tạo điều kiện phát triển hệ thống logistics phục vụ thương mại cho xoài và các loại nông sản khác gắn với chợ đầu mối trái cây của tỉnh, hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống vận chuyển, kho chứa lạnh và hệ thống xử lý, sơ chế theo đề xuất và phương án kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh đặt tại các thành phố lớn trong cả nước…

Với định hướng phát triển ngành hoa kiểng trở thành ngành hàng chiến lược, tỉnh tạo điều kiện tăng cường sự liên kết giữa các nông hộ trồng hoa kiểng với doanh nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo các giống hoa kiểng mới, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện của tỉnh và thị hiếu người tiêu dùng; đồng thời quan tâm sưu tập, bảo tồn, trồng các giống hoa kiểng địa phương. Tỉnh đầu tư xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao về hoa kiểng, đưa vùng hoa Sa Đéc trở thành vùng sản xuất hoa tập trung lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long; phát huy vai trò của cộng đồng làng nghề trong phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm gắn với vùng sản xuất hoa kiểng…

Để phát triển ngành hàng sen hiệu quả, chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao, tỉnh tăng cường nghiên cứu, ứng dụng giống sen phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương, mở rộng quy mô sản xuất các giống sen chuyên biệt, phục vụ nhu cầu hoa trang trí, lấy hạt, ngó, lá, sản phẩm cao cấp chiết xuất từ sen. Tỉnh tiến hành thực hiện cấp mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các vùng sen nguyên liệu và các sản phẩm chế biến từ sen; xây dựng không gian văn hoá cộng đồng mang bản sắc sen trên cơ sở xây dựng và hoàn thiện một số mô hình canh tác sen an toàn, chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái…

Nhằm bảo đảm cho tiến trình TCCNN, phát triển các ngành hàng chủ lực theo đúng định hướng đề ra, tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp, như: Đổi mới các chính sách hỗ trợ TCCNN; tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất; phát triển thị trường; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo điều kiện tập trung, tích tụ ruộng đất; tăng cường liên kết vùng, hợp tác quốc tế; bảo vệ đất nông nghiệp, khuyến khích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp cho sản xuất quy mô lớn; thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư tư nhân vào địa bàn tỉnh.

Kết quả bước đầu và đặc trưng của mô hình tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp

Sau hơn 8 năm quyết liệt triển khai thực hiện đề án TCCNN, đến nay, cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đã chuyển dịch theo hướng ngày càng gắn kết với thị trường tiêu thụ thông qua việc phát triển các mô hình kinh tế hợp tác gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản chủ lực. Quá trình TCCNN gắn kết chặt chẽ với quá trình xây dựng nông thôn mới, từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực khác, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng nông thôn(2). Đến cuối năm 2022, các ngành hàng chủ lực như lúa gạo, cá tra, xoài, hoa kiểng, sen đã được tổ chức lại theo đúng định hướng phát triển vùng sản xuất tập trung để kết nối chuỗi giá trị, gắn kết hạ tầng sản xuất với ứng dụng công nghệ cao; nhiều sản phẩm từ các ngành hàng chủ lực được công nhận là sản phẩm OCOP 3 – 4 sao. Bên cạnh nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến theo quy trình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả khả quan trong hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong nông nghiệp(3).

Quá trình TCCNN không chỉ nâng cao ý thức tự lực, hợp tác trong cộng đồng mà còn giúp người dân chủ động đổi mới tư duy, cách tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Trong đó, nổi bật là những mô hình thương mại điện tử, cơ giới hoá toàn diện gắn với mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc trong sản xuất (như các mô hình: “Hội quán nông dân” “Cây xoài nhà tôi”, “Canh tác lúa thông minh”, “Ruộng nhà mình”, “Du lịch cộng đồng”,…). Đặc biệt, mô hình “Hội quán nông dân” đã tạo xu hướng mới trong hợp tác sản xuất, làm nền tảng để phát triển và nâng cao chất lượng kinh tế hợp tác, giúp nông dân chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Đồng Tháp có 183 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 32 hợp tác xã được thành lập từ 33 hội quán.

Từ những kết quả bước đầu, có thể nhận diện mô hình TCCNN tỉnh Đồng Tháp mang những nét đặc trưng sau:

Tái cơ cấu nông nghiệp hướng đến mục tiêu “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp”, chuyển mạnh từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”. Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp là quá trình phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, có trách nhiệm với cộng đồng; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường, ứng dụng khoa học – công nghệ; chuyên môn hóa nông dân, tạo việc làm ổn định để nâng cao thu nhập, đời sống của cư dân nông thôn; quan tâm bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới thành nơi yên bình, văn minh, kinh tế ổn định, đáng sống.

Lấy tư tưởng phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực làm chủ đạo, dựa trên lợi thế so sánh, tiềm năng thị trường để tập trung phát triển. Thực tiễn cho thấy, những ngành hàng chủ lực mà tỉnh Đồng Tháp chọn lựa để TCCNN cũng là những loại cây, con mà tỉnh có thế mạnh phát triển, có điều kiện đầu tư để tái cơ cấu sản xuất, tạo ra những mặt hàng nông sản có chất lượng cao, mang thương hiệu riêng của Đồng Tháp. Từ đó, gia tăng giá trị những sản phẩm nông nghiệp, nhất là những sản phẩm chủ lực, những sản phẩm có nguồn gốc từ tài nguyên địa phương, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, theo hướng tăng sức cạnh tranh và lợi nhuận.

Kiên trì với định hướng phát triển vùng sản xuất tập trung gắn với liên kết chuỗi giá trị; chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang đối tượng cho thu nhập cao gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm. Quá trình TCCNN ở Đồng Tháp thời gian qua cũng là quá trình tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với ứng dụng công nghệ cao, giảm giá thành sản xuất để tăng giá trị và lợi nhuận trên từng đơn vị diện tích; tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Dựa trên lợi thế so sánh, tiềm năng thị trường để định hướng và xác định phương thức TCCNN. Trên cơ sở phân tích các yếu tố: thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, phân khúc thị trường tiềm năng của từng ngành hàng; so sánh lợi thế về giá thành sản xuất, sản lượng hàng hóa, hệ thống canh tác, liên kết trong chuỗi giá trị, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản…, tỉnh đã tập trung xây dựng các mô hình liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, thủy sản, trái cây, dựa trên yếu tố “hợp tác – liên kết – thị trường” và “giảm chi phí – tăng chất lượng – chế biến tinh”; gắn với đó là xây dựng hợp tác xã, hội quán nông dân, phát triển cộng đồng.

Xác định con người là nhân tố cốt lõi trong tiến trình TCCNN. Tỉnh tập trung đầu tư mạnh cho công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của cả hệ thống chính trị, người nông dân, hợp tác xã, doanh nhân để chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Quá trình TCCNN ở tỉnh Đồng Tháp, xét về bản chất, chính là quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, lấy người nông dân làm trung tâm, gắn kết nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp để tạo ra chuỗi giá trị trong nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, bảo đảm an ninh lương thực, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao mức sống người dân, phát triển nông nghiệp – nông thôn bền vững.

Bài học kinh nghiệm

Thứ nhất, tư duy đột phá và vai trò kiến tạo trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh. Cùng với tư duy đột phá và vai trò kiến tạo, chính những nỗ lực, quyết tâm, sâu sát của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc thực hiện đề án TCCNN từ tỉnh đến cơ sở đã tạo nền tảng tinh thần, tạo ra động lực để khơi dậy sức mạnh cộng đồng, phát huy tính chủ thể, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Đây là yếu tố then chốt để thực hiện thành công đề án TCCNN tỉnh Đồng Tháp. Bên cạnh đó, sự vào cuộc mạnh mẽ, xuyên suốt, chủ động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong tổ chức tuyên truyền, vận động sâu rộng từ hệ thống chính trị đến toàn xã hội đã tạo sự đồng thuận cao, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong hành động, cùng nhau quyết tâm chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” thuần túy sang phát triển “kinh tế nông nghiệp”.

Thứ hai, mô hình TCCNN được thực hiện với phương châm “thuận thiên”, tránh can thiệp quá mức vào tự nhiên và môi trường sống. Sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên thiên nhiên; chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát huy lợi thế tự nhiên; chủ động biến những thách thức từ biến đổi khí hậu mang lại thành cơ hội và nguồn tài nguyên cho phát triển. Đây cũng chính là quá trình tạo dựng nền tảng cho một nền “nông nghiệp thuận thiên”, “nông nghiệp xanh” thông qua việc nhân rộng các biện pháp canh tác bền vững, phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, giúp phục hồi hệ sinh thái và môi trường. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn kết hữu cơ với xây dựng nông thôn mới, trong đó tỉnh luôn chú trọng giải quyết những vấn đề mấu chốt ở nông thôn là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm ổn định, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, để người dân nông thôn có cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn.

Thứ ba, TCCNN là trọng tâm của tiến trình tái cơ cấu kinh tế của tỉnh theo định hướng chuyển mạnh từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào số lượng sang mô hình tăng trưởng dựa vào chất lượng. Tái cơ cấu nông nghiệp được triển khai trên cơ sở ứng dụng khoa học – công nghệ và chuyển đổi số, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp theo chiều sâu và bảo vệ môi trường; nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản thông qua tích hợp đa giá trị (kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường,…). Lấy liên kết sản xuất và tiêu thụ làm trung tâm của quá trình TCCNN, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển chế biến sâu, xây dựng thương hiệu hàng hóa trên cơ sở vừa tiếp tục phát triển các sản phẩm chủ lực và các ngành hàng có tiềm năng, vừa hình thành các vùng chuyên canh nông sản hàng hoá chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm, gắn với chỉ dẫn địa lý, mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc.

Thứ tư, người nông dân vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu chính để thực hiện TCCNN theo chủ trương làm “nông nghiệp thuận thiên”, “nông nghiệp xanh”. Quá trình TCCNN cũng là quá trình nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán nông dân để làm cơ sở chuyên nghiệp hóa nông dân, nâng cao tính cộng đồng, từ đó nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh việc mạnh dạn thực hiện một số chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân có tính đột phá(4), tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều chủ trương để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân theo hướng chuyên nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp; đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, hợp tác xã, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, chuyển dịch dần lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp thông qua các kênh thị trường đa dạng.

Thứ năm, tạo cơ hội, điều kiện cho người dân nông thôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm chủ thể trong xây dựng nông nghiệp, phát triển nông thôn. Quá trình TCCNN ở Đồng Tháp thời gian qua không chỉ giúp cho nông dân nói chung khá giả hơn, mà còn tạo ra cơ hội, điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo ở nhiều địa phương tự lực vươn lên trong cuộc sống, chủ động làm giàu chính đáng, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội tại địa phương. Đó cũng là quá trình Nhà nước và người dân, doanh nghiệp đồng lòng cùng nhau xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn từng bước hiện đại, bảo đảm an ninh, trật tự, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. TCCNN giúp người nông dân ngày càng nhận rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, có trách nhiệm với cộng đồng; xây dựng nông thôn yên bình, văn minh, kinh tế ổn định và đáng sống./.

——————————-

(1) Quyết định số 591/QĐ-UBND.HC, ngày 30-6-2014, của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, “Phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”.
(2) Trong giai đoạn 2015-2020, kinh tế nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp tăng trưởng bình quân hằng năm là 3,57%; thu nhập của người dân nông thôn đến cuối năm 2020 đạt 39,42 triệu đồng/năm, tăng 1,36 lần so với năm 2015.
(3) Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến theo quy trình ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo quy trình an toàn, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu được nhân rộng như: Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP (sản xuất lúa gạo bền vững); liên kết, cơ giới hóa sản xuất lúa giống gắn với truy xuất nguồn gốc; canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị; chăn nuôi lợn giống sinh sản theo hướng an toàn sinh học gắn liên kết tiêu thụ; trồng nấm bào ngư tại vườn ươm khởi nghiệp nông nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP,…). Bước đầu triển khai chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, tỉnh đã phối hợp với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu quản lý tình hình sản xuất trồng trọt, kết nối nhiều doanh nghiệp, cơ sở liên kết tiêu thụ sản phẩm vùng trồng trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 833 vùng trồng với diện tích gần 59.600ha được cấp mã số vùng trồng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện có hơn 400 sản phẩm của 82 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trong tỉnh được kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử; hơn 150 sản phẩm của tỉnh Đồng Tháp có mặt tại các siêu thị như: Coopmart, Big C, Satra, Lotte, Aeon, Vinmart, MM Mega Market,… các sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao được quảng bá chính thức trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn như: Tiki, Lazada, Shopee,Voso, Sendo, Postmart.
(4) Như: hỗ trợ 50% lãi suất vay khi thuê đất mở rộng quy mô sản xuất và san phẳng mặt ruộng; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ ứng dụng khoa học – công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm,… cho một số hợp tác xã nông nghiệp; thí điểm đối tác “công – tư” trong phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, phát triển các chuỗi giá trị ngành nông nghiệp chủ lực; liên kết với doanh nghiệp nước ngoài xây dựng cánh đồng liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Bên cạnh đó, tỉnh cũng vận dụng linh hoạt một số chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, khoa học – công nghệ của Trung ương để giúp doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ xây dựng nông thôn mới.

TIN LIÊN QUAN

Bình luận đã bị đóng.

Đăng ký nhận bản tin