Đồng chí Tô Lâm – Tổng Bí thư kiểm tra Dự án dao tốc Cao Lãnh – An Hữu thành phần 1 trong chuyến công tác và làm việc với tỉnh Đồng Tháp vào cuối năm 2024
Dồn nguồn lực cho cao tốc
Trong 05 năm qua, Đồng Tháp phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai xây dựng các tuyến cao tốc bao gồm: Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Cao Lãnh – An Hữu, Cao Lãnh – Lộ Tẻ, Mỹ An – Cao Lãnh.
Trong đó, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, giai đoạn 1 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chủ trương đầu tư gồm 02 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp, chiều dài khoảng 16 km, sơ bộ tổng mức đầu tư 3.640 tỷ đồng, do Uỷ ban nhân tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản. Dự án thành phần 2 thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, chiều dài khoảng 11,45 km (trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp dài 3,8 km), sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.856 tỷ đồng do Uỷ ban nhân tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản.
Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế – xã hội đối với Đồng Tháp nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Dự án thành phần 1 khởi công xây dựng vào tháng 6/2023.
Theo ông Hồ Vĩnh Quan – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông tỉnh, hưởng ứng phong trào thi đua “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”, do Thủ tướng Chính phủ phát động, đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu thi công tăng cường huy động nhân lực, vật lực, tổ chức thi công nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn lao động, vệ sinh môi trường. Quan tâm, kiểm soát và tăng cường công tác quản lý chất lượng thi công, nguồn vật liệu đảm bảo chất lượng cho dự án. Phối hợp với chủ đầu tư đề xuất các giải pháp rút ngắn thời gian gia tải và đề xuất phương án nhằm rút ngắn tiến độ thi công.
Đến thời điểm hiện tại, dự án thành phần 1 của cao tốc Cao Lãnh – An Hữu đạt tiến độ thi công hơn 52%, năm 2024 dự án đã giải ngân 100% vốn theo kế hoạch (1.132 tỷ đồng).
Dự án Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu thành phần 1 đang thi công
Nhằm từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Đồng Tháp nói riêng, tháng 01/2024, Bộ Giao thông vận tải quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư hơn 6.127 tỷ đồng. Chiều dài tuyến dự kiến khoảng 26,6 km; điểm đầu kết nối với tuyến N2, thuộc thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, điểm cuối tại nút giao An Bình (đầu cầu Cao Lãnh), thuộc huyện Cao Lãnh.
Việc đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh giai đoạn 1 sẽ phát huy hiệu quả đầu tư và khai thác Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông; từng bước hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây.
Đầu tư đồng bộ hệ thống đường tỉnh
Về hệ thống đường tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Đồng Tháp đầu tư xây dựng 23 công trình đường bộ. Đến nay, có 17 công trình đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng, 05 công trình đang triển khai thi công, 01 dự án đang chuẩn bị hồ sơ đề xuất. Trong đó, nhiều công trình chuyển tiếp giai đoạn 2016 – 2020 đã đầu tư xây dựng hoàn thành gồm: Đường Sở Tư pháp kết nối đường Tân Việt Hòa; nâng cấp Quốc lộ 30, đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự (giai đoạn 2); hệ thống cầu đường ĐT.849; nâng cấp mở rộng tuyến ĐT.841, tuyến ĐT.848, tuyến ĐT.846 v.v..
Một đoạn trong Dự án nâng cấp Quốc lộ 30, đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự (giai đoạn 2)
Nhiều tuyến đường tỉnh như: ĐT.857, ĐT.845, hệ thống cầu trên tuyến ĐT.844 và một số công trình khác cũng đang được triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Ngoài ra, Đồng Tháp tranh thủ vốn từ nhiều nguồn để đầu tư phát triển hệ thống giao thông đô thị; hệ thống đường giao thông nông thôn; hệ thống bến, bãi đỗ xe và hạ tầng giao thông đường thủy.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Trí Quang nhấn mạnh, muốn kinh tế – xã hội phát triển thì phải tháo gỡ “điểm nghẽn” về giao thông. Do đó, giai đoạn 2021 – 2025, Đồng Tháp đã tập trung đầu tư cho việc phát triển hạ tầng giao thông, với nguồn vốn hơn 9.500 tỷ đồng.
Không chỉ các tuyến giao thông huyết mạch, những con đường nông thôn cũng đã được nâng cấp, trải nhựa thẳng tắp và trang bị đèn chiếu sáng để phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân
Đồng Tháp đã bố trí vốn đầu tư các tuyến đường tỉnh khoảng 7.291 tỷ đồng; hỗ trợ 693,7 tỷ đồng cho các địa phương xây dựng công trình giao thông nông thôn với tổng mức đầu tư gần 1.360 tỷ đồng; hỗ trợ khoảng 1.600 tỷ đồng cho 03 thành phố đầu tư công trình giao thông đô thị với tổng mức đầu tư khoảng 3.041 tỷ đồng.
Là người dân ngụ xã An Phong, huyện Thanh Bình, ông Phạm Văn Nam cho biết, từ khi Quốc lộ 30, đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự được nâng cấp ông rất vui mừng, đường sá được mở rộng, tráng nhựa bằng phẳng hơn. Nhờ vào đó, quá trình di chuyển của người dân được rút ngắn thời gian, thuận lợi hơn.
Phát triển giao thông – nhiệm vụ trọng tâm năm 2025
Năm 2025 được xác định là năm tăng tốc để bứt phá trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giao thông, tạo tiền đề cho giai đoạn 05 năm tiếp theo. Đồng Tháp đặt mục tiêu đến cuối năm sẽ hoàn thành hơn 52 km đường cao tốc, 14 km quốc lộ và 96 km đường tỉnh xây dựng mới.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong, phát triển giao thông là một trong những thành tựu nổi bật của tỉnh trong giai đoạn 2021 – 2025. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận thực trạng một số tuyến đường chưa được xây dựng đồng bộ, chưa khai tốt, phát huy tối đa tiềm năng của tuyến đường biên giới, đường sông.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, thực hiện các tuyến theo quy hoạch. Trong đó, kiến nghị Trung ương, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đầu tư các tuyến cao tốc, quốc lộ qua địa bàn; nghiên cứu giải pháp cho nguồn vật liệu cát, đất đắp; khuyến khích xã hội hóa trong việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông.
Cùng với đó, đẩy mạnh khai thác hệ thống giao thông đường thủy; đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giao thông vận tải để xây dựng và quản lý đồng bộ cơ sở dữ liệu nền bản đồ số nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước – Bí thư Tỉnh ủy cho biết.
Vùng Đông Nam bộ nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang có xu hướng chuyển dịch một số ngành công nghiệp hiện tại sang khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để chuyển mình thành trung tâm tài chính, dịch vụ thương mại và công nghiệp công nghệ cao. Trong xu hướng đó, việc chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông chính là sự chuẩn bị, điều kiện tốt giúp tỉnh sẵn sàng đón thời cơ bên ngoài, dễ dàng mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai.
Cẩm Tiên