CỔNG THÔNG TIN LÀNG THÔNG MINH

Quản lý hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong quản lý dịch hại

Tác giả -  |  Ngày 16/10/2022

1. Quản lý hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật

Mối nguy Hình thức lây nhiễm Biện pháp kiểm soát

Hóa học

– Việc phun thuốc của vườn liền kề gây nhiễm bẩn hoá học lên sản phẩm do gió

– Sử dụng thuốc BVTV cấm, hạn chế sử dụng, không đăng ký trên cây thanh long

– Không đảm bảo thời gian cách ly

– Lạm dụng thuốc BVTV (hỗn hợp nhiều loại, tăng nồng độ)

– Công cụ phun rải không đảm bảo (chất lượng kém, rò rỉ, định lượng sai,…)

– Phun thuốc BVTV gần sản phẩm thu hoạch hoặc các vật liệu đóng gói

-Thuốc BVTV được hấp thụ hoặc bám dính lên quả, làm cho dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm cao – Thăm vườn thường xuyên để tìm hiểu việc phun thuốc của vườn liền kề (nhắc nhở phun khi không có gió hoặc che nilon chắn gió, ghi loại thuốc phun)

– Phân tích sản phẩm

– Chỉ sử dụng thuốc BVTV trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT

– Áp dụng 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV

– Đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch

– Thuốc BVTV được cất giữ trong kho chứa

Thu gom bao bì thuốc BVTV, không tái sử dụng bao bì cho mục đích khác.

Bảng 1. Phân tích và nhận dạng các mối nguy hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật

Một số quy định sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất theo VietGAP:

  • Phải áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM.
  • Chỉ sử dụng thuốc BVTV khi cần thiết, sử dụng thuốc khi dịch hại đến ngưỡng gây hại, giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây xoài cần được bảo vệ khỏi sự tấn công của dịch hại,…
  • Khi cần sử dụng thuốc BVTV, phải sử dụng thuốc có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam do Bộ NN&PTNT ban hành có cập nhật hàng năm.
  • Áp dụng nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng, đúng cách) hoặc hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
  • Nên sử dụng luân phiên thuốc BVTV giữa các lần phun hoặc các vụ để không gây tính kháng thuốc của sâu bệnh hại, hiệu quả phòng trừ sẽ cao hơn.
  • Khi sử dụng thuốc BVTV phải có biện pháp ngăn chặn sự phát tán sang các ruộng xung quanh.
  • Phải có biển cảnh báo khu vực mới phun thuốc.
  • Cần có danh mục các thuốc BVTV được phép sử dụng trên cây xoài, bao gồm tên thương mại, hoạt chất, đối tượng cây trồng và dịch hại.
  • Thuốc BVTV và hóa chất phải giữ nguyên trong bao bì; nếu đổi sang bao bì, vật chứa khác phải ghi rõ và đầy đủ tên, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng như bao bì ban đầu.
  • Nếu phát hiện các loại thuốc BVTV quá hạn sử dụng, không thể sử dụng nữa thì phải được thu gom bảo quản riêng chờ tiêu hủy. Có thể bảo quản ngay trong kho chứa thuốc BVTV nhưng cần ghi rõ thông tin trên nhãn là “thuốc quá hạn sử dụng”.
  • Khi sử dụng thuốc cần mang bảo hộ lao động (Áo dài tay, quần dài, nón, khẩu trang có than hoạt tính, kính bảo hộ mắt, bao tay).
  • Thuốc BVTV đã pha không dùng hết cần được thu gom và xử lý theo quy định về chất thải nguy hại.
  • Nên có hố cát chuyên dụng để súc rửa dụng cụ phun thuốc BVTV, đổ thuốc dư thừa vào hố cát.
  • Mua thuốc BVTV:
    • Tại cơ sở có tư cách pháp nhân, có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh ngành hàng thuốc BVTV do cơ quan có thẩm quyền cấp phép, chịu sự quản lý của nhà nước;
    • Có nhãn mác rõ ràng, còn hạn sử dụng; Không thuộc danh mục hạn chế và cấm sử dụng.
  • Vận chuyển:
    • Kiểm tra bao bì thuốc BVTV có bị rò rỉ không;
    • Buộc gói cẩn thận;
    • Không để lẫn với thực phẩm, đồ chơi trẻ em, chất dễ cháy nổ.
  • Bảo quản:
    • Nên mua thuốc đủ sử dụng, tránh dư thừa nhiều;
    • Dụng cụ chứa hoặc kho chứa thuốc BVTV và hóa chất khác phải kín, không rò rỉ ra bên ngoài, có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Nếu là kho thì cửa kho phải có khóa và chỉ những người có nhiệm vụ mới được vào kho. Không đặt trong khu vực sơ chế, bảo quản sản phẩm, sinh hoạt và không gây ô nhiễm nguồn nước;
    • Cần có sẵn dụng cụ, vật liệu xử lý trong trường hợp đổ, tràn phân bón, thuốc BVTV và hóa chất;
    • Kiểm tra thường xuyên tình trạng nơi cất giữ thuốc.
  • Cần ghi nhật ký sử dụng thuốc BVTV, ghi chép cẩn thận các thông tin cần thiết và có nơi lưu trữ để dễ dàng theo dõi.
  • Sản phẩm phải phân tích dư lượng thuốc BVTV (√n (n số hộ tham gia)/mẫu) không vượt quá giới hạn tối đa cho phép theo Thông tư số 50/2016/TT-BYT Quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm.

2. Phòng, chống sinh vật hại:

Trên xoài có rất nhiều đối tượng sâu bệnh hại tấn công dưới đây là một số đối tượng dịch hại cần quan tâm.

STT Dịch hại Tác nhân/ tên khoa học Bộ phận gây hại Thời điểm, giai đoạn ghi nhận Mức độ phổ biến
I. Sâu hại
1 Bọ trĩ Scirtothrips dorsalis, Hoa Mùa nắng +++
Thrip hawaiiensis,
Megalurothrips sjostedti,
2 Bọ cắt lá Frankliniella intonsa Lá non Lá non +
Deporaus marginatus
3 Rầy bông xoài Idioscopus niveosparsus, Hoa Khi nhú hoa ++
4 Rầy xanh Idioscopus clypealis Lá, hoa Lá  non,  khi nhú hoa ++
Amrasca sp.
5 Rệp sáp Rastrococcus spinosus, Lá, quả Quanh năm ++
R. invadens, Pseudococcus jackbeardsleyi,
Pseudococcus sp.,
Planococcus lilacinus
5 Nhện đỏ Oligonychus sp. Lá, hoa, quả non Mùa nắng +++
6 Ruồi đục quả Bactrocera dorsalis Quả Mùa mưa, có quả non +++
7 Sâu đục quả Deanolis albizonalis Quả Quả non +++
8 Sâu đục thân Plocaederus ruficornis, Thân, cành Mùa nắng +
Rhytidodera simulans,
Batocera rufomaculata
II. Bệnh hại
1 Bệnh thán thư Colletotrichum Lá, quả, đọt non Mùa mưa +++
gloeosporioides
2 Đốm đen, xì mủ Xanthomonas campestris Quả Mùa mưa ++
pv. mangeferae indicae
3 Bệnh phấn trắng Xanthomonas campestris Lá, quả Mùa mưa ++
pv. mangeferae indicae
4 Bệnh đốm bồ hóng Oidium mangiferae Lá, thân, cành, quả Quanh năm ++
5 Bệnh đốm rong Cephaleuros viresens Mùa mưa ++
6 Bệnh cháy lá Macrophoma mangiferae Cuối mùa nắng đầu mùa mưa +
Bảng 2.Thành phần sâu bệnh gây hại trên xoài

a. Bọ trị

Đặc điểm gây hại

  • Cả thành trùng và ấu trùng chích hút trên các bộ phận non của cây như chồi non, lá non, nụ hoa, hoa và quả non
  • Trên lá, bọ trĩ chích hút ở mặt dưới lá làm lá phát triển không bình thường, cong queo, hai mép cúp xuống
  • Trên chồi, làm chồi không ra lá, quả
  • Trên hoa làm hoa héo, khô và rụng hàng loạt nếu mật số bọ trĩ cao
  • Bọ trĩ gây hại trên quả làm vỏ quả có màu xám đậm (da cám) nhiều nhất là vị trí gần cuống quả, quả biến dạng, nếu bọ trĩ xuất hiện với mật số cao và gây hại muộn thì vỏ quả (cả quả non lẫn quả lớn) bị sần sùi, giảm giá trị thương phẩm.

Hình 1. Triệu chứng gây hại trên quả non và quả già

Biện pháp phòng chống

  • Chăm sóc cho cây sinh trưởng phát triển tốt, giúp ra đọt non, ra hoa tập trung
  • Sử dụng bẫy màu vàng để theo dõi mật số bọ trĩ trong vườn, từ đó có Biện pháp quản lý kịp thời (ít nhất 5 bẫy/vườn (4 bẫy ở 4 gốc vườn và 1 bẫy ở giữa vườn)
  • Nếu nguồn nước trong vườn tốt, phun nước bằng vòi phun áp lực cao lên tán cây hạn chế mật số bọ trĩ và các sâu hại khác
  • Tăng cường bón phân hữu cơ, bón phân cân đối
  • Chỉ sử dụng thuốc BVTV khi mật số bọ trĩ cao, trên 3 – 5 con/chồi, lá, quả. Để tránh hiện tượng kháng thuốc nên luân phiên các loại thuốc có hoạt chất khác nhau, có thể sử dụng liên tục 2 – 3 lần
  • Nên hạn chế phun thuốc khi xoài đang ra hoa, nếu thật cần thiết thì phun vào chiều mát
  • Sử dụng thuốc BVTV có hoạt chất như Azadirachtin, Abamectin+BT, Emamectin benzoate+Matrine, Oxymatrine, Spinetoram, Garlicin. Nên kết hợp với dầu khoáng và nên phun 2 lần cách nhau 7 – 10 ngày/lần
  • Khi mật số bọ trĩ cao nên phun nấm xanh Metarhizium vào đất nhằm diệt nhộng trong đất.

Hình 2. Sử dụng bẫy dính màu vàng thu hút thành trùng bọ trĩ Hình 3. Bọ cánh lưới ăn bọ trĩ hiện diện trên phát hoa xoài

b. Rầy bông xoài

Đặc điểm gây hại

  • Cả thành trùng và ấu trùng đều chích hút nhựa của hoa và lá non. Hoa bị rầy chích hút sẽ trở nên nâu, khô và sau đó sẽ rụng. Rầy còn tiết ra mật ngọt, tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển.

Hình 4. Thành trùng rầy bông xoài Hình 5. Thành trùng chích hút trên hoa

Biện pháp phòng chống

  • Sau thu hoạch tiến hành tỉa cắt cành tạo điều kiện thông thoáng để hạn chế sự phát triển của rầy
  • Trước giai đoạn ra hoa cần sử dụng bẫy dính vàng, bẫy đèn để theo dõi mật số thành trùng
  • Tạo điều kiện cho các loài thiên địch của rầy bông xoài phát triển như bọ cánh lưới Chrysoperla sp., Suarius sp., bọ rùa chữ nhân, bọ rùa sáu vệt, bọ rùa đỏ và các loài bọ xít ăn mồi phát triển. Ngoài ra, nấm trắng Beauveria bassiana cũng ghi nhận ký sinh hiệu quả trên rầy bông xoài
  • Sử dụng các loại thuốc BVTV có hoạt chất: Buprofezin, Emamectin benzoate + Abamectin, Spinetoram, Thiamethoxam.

c. Rầy xanh

Đặc điểm gây hại

Cả rầy non và rầy trưởng thành dùng vòi chọc chích hút cây dọc hai bên gân chính và gân phụ của lá non, đọt chồi non gây nên những vết châm làm cho lá non bị tổn thương, làm cho việc vận chuyển nước và chất dinh dưỡng đến lá gặp trở ngại. Những lá này sẽ cong queo, rụng đi.

Hình 6. Triệu chứng trên hoa Hình 7. Phát hoa bị rầy gây hại

Hình 8. Triệu chứng gây hại của rầy xanh trên lá và đọt non xoài

Biện pháp phòng chống

  • Thiên địch quan trọng của rầy xanh là các loài bắt mồi ăn thịt như nhện, bọ rùa, bọ xít ăn sâu, chuồn chuồn cỏ, nên tạo điều kiện cho các loài thiên địch phát triển
  • Tạo điều kiện cho vườn thông thoáng
  • Điều khiển cây ra đọt, ra hoa tập trung để dễ dàng quản lý rầy xanh
  • Sử dụng các loại thuốc BVTV có hoạt chất: Clothianidin, Abamectin, Spirotetramat…phun khi cây vừa nhú đọt để diệt rầy xanh.

Hình 9. Sử dụng bẫy dính màu thu hút rầy bông xoài

d. Rệp sáp

Trên xoài có các loài rệp sáp phổ biến như loài Rastrococcus spinosus, R. invadens gây hại trên lá, loài Pseudococcus jackbeardsleyi, Pseudococcus sp. và Planococcus lilacinus gây hại phổ biến ở giai đoạn hoa và quả.

Đặc điểm gây hại

  • Đối với loài gây hại trên lá: Trưởng thành và ấu trùng đều chích hút nhựa lá và cành non. Ngoài gây hại trực tiếp bằng cách chích hút nhựa, rệp sáp còn tiết mật ngọt làm bồ hóng phát triển nơi rệp sáp sinh sống. Bị nhiễm nặng có thể ngừng phát triển, không cho ra lá non và hoa. Rệp sáp thường tập trung trên lá non, thành thục nhiều hơn lá già.
  • Đối với loài gây hại trên hoa và quả: Loài này hiện diện với mật số cao từ tháng 3 – 5 dương lịch, vào giai đoạn này trên cây hiện diện đủ các lứa tuổi của rệp sáp. Mật số rệp giảm dần từ tháng 6 – 9 dương lịch, mật số rệp cao vào tháng 11 – 12 dương lịch lúc này cây đang cho quả. Rệp non và trưởng thành tập trung gây hại quả non và quả chín, mật độ cao có thể làm quả phát triển chậm, chai sượng và rụng sớm.

Hình 10. Thành trùng Rastrococcus spinosus Hình 11. Thành trùng Planococcus lilacinus Hình 12. Rệp sáp gây hại trên quả

Biện pháp phòng chống

  • Sau thu hoạch phải vệ sinh vườn sạch sẽ, thu gom toàn bộ cành, quả bị nhiễm rệp sáp đem đi tiêu hủy
  • Hạn chế trồng xen với cây trồng dễ nhiễm rệp sáp như đu đủ, mãng cầu…
  • Phun nước vào tán cây bằng vòi áp lực cao, nước sẽ rửa trôi lớp bột sáp
  • Quản lý kiến bằng SOFRI-trừ kiến hạn chế khả năng phát tán của rệp sáp
  • Sử dụng thuốc BVTV có các hoạt chất Spirotetramat hay Buprofezin kết hợp chất lan trải bề mặt Surfactant Siloxane Alkoxylate. Cần lưu ý sử dụng luân phiên các hoạt chất thuốc BVTV khác nhau để tránh tình trạng rệp sáp kháng thuốc.

e. Ruồi đục quả Bactrocera dorsalis

Đặc điểm gây hại

Ruồi đẻ trứng vào vỏ quả sắp chín, ấu trùng nở ra đục vào trong ăn phá phần thịt quả, ấu trùng thảy phân tạo điều kiện cho vi sinh vật, nấm phát triển, làm cho quả hư và rụng. Vết bị hại sẽ thâm, khi ấn nhẹ vào dịch nước sẽ rỉ ra (3 ngày sau khi ruồi đẻ trứng).

Hình 13. Triệu chứng gây hại của ruồi đục quả trên quả xoài

Biện pháp phòng chống

  • Thu hoạch khi quả đạt độ chín thu hoạch, không giữ quả chín quá lâu trên cây
  • Tỉa cành, làm vệ sinh vườn cho vườn luôn thông thoáng. Nên thu gom những quả bị hại ra khỏi vườn, ngâm vào nước hoặc chôn vào đất để diệt nhộng
  • Sử dụng pheromon giới tính dẫn dụ và tiêu diệt trưởng thành đực. Biện pháp này muốn có kết quả cao nên vận động nhiều nhà vườn cùng tiến hành đồng loạt trên diện rộng
  • Sử dụng bã thức ăn để hấp dẫn trưởng thành đực và trưởng thành cái (SOFRI-Protein, bã ngọt). Sử dụng SOFRI Protein để phun. Pha 1 lít nước với 100 mL bã SOFRI-Protein+Spinosad. Phun mỗi cây khoảng 50 mL bã mồi (đã pha loãng), chỉ phun thành đốm nhỏ trên tán cây. Nên phun vào khoảng từ 8 – 10 giờ sáng, bắt đầu phun sau đậu quả 2 tháng. Phun thường xuyên 7 ngày/lần. Cần lưu ý là phải thực hiện trên diện rộng và đồng loạt
  • Bao quả để phòng ngừa ruồi đục quả bằng các loại túi bao chuyên dụng, bao vào thời điểm 35 – 40 ngày sau khi đậu quả. Cần phun thuốc BVTV thật kỹ trước khi bao quả.

Hình 14. Bẫy dính Hình 15. Bao quả Hình 16. Chế phẩm SOFRIProtein

f. Xén tóc đục thân

Trên xoài có nhiều loài xén tóc đục thân, cành như loài Plocaederus ruficornis, Rhytidodera simulansBatocera rufomaculata, trong đó gây hại trên xoài phổ biến nhất là loài P. ruficornis.

Đặc điểm gây hại

  • Sau khi nở, ấu trùng sẽ đào hầm chui xuyên qua lớp vỏ cây vào phần mô mền dưới vỏ cây để ăn phá và phát triển.
  • Trong quá trình gây hại ấu trùng đục những đường hầm trong thân cây và cành cây. Độ lớn của đường đục lớn dần theo tuổi của ấu trùng. Vào tuổi cuối, ấu trùng xén tóc đục một lỗ để khi vũ hóa chui ra ngoài.
  • Trong một cây có thể có nhiều ấu trùng xén tóc, nếu mật số cao, cành và ngay cả cây cũng có thể bị chết.

Hình 17. Thành trùng Plocaederus ruficornis và triệu chứng gây hại trên thân xoài

Biện pháp phòng chống

  • Thăm vườn thường xuyên, vệ sinh vườn xoài, loại bỏ và tiêu hủy những cành và những cây đã bị chết do xén tóc gây hại
  • Treo bẫy đèn vào ban đêm để diệt thành trùng
  • Khi phát hiện lỗ đục, cần đục khoét lỗ đục để diệt nhộng và ấu trùng
  • Tiêm thuốc BVTV vào lỗ đục hạn chế được sự gây hại của ấu trùng.

h. Sâu đục quả Deanolisalbizonalis

Đặc điểm gây hại

Sâu có thể gây hại ở mọi giai đoạn phát triển của quả. Ấu trùng sau khi nở sẽ đục vào quả. Sâu non thường đục vào vị trí chóp quả. Sâu còn nhỏ ăn phần thịt quả, sâu lớn thường tấn công phần hột. Sau khi ăn hết phần hột sâu di chuyển sang quả khác để gây hại. Các vết đục sẽ tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn, ruồi phát triển làm cho vết đục hoặc cả quả sẽ bị thối và rụng.

Hình 18. Thành trùng, ấu trùng sâu đục quả và triệu chứng gây hại trên quả xoài

Biện pháp phòng chống

  • Thu hoạch khi quả đạt độ chín thu hoạch, không giữ quả đã chín quá lâu trên cây
  • Sau khi thu hoạch quả nên làm vệ sinh vườn, cắt tỉa những cành bị sâu bệnh, những cành già không cho quả nằm khuất trong tán cây…để hạn chế nơi trú ngụ của con trưởng thành
  • Nên thu gom và tiêu hủy những quả bị sâu hại để diệt sâu bên trong, hạn chế sâu di chuyển tấn công quả khác và hạn chế sâu của các đợt sau
  • Đối với sâu đục quả có 2 giải pháp quản lý:
  • Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học Abamectin + Bacillus thuringiensis, Emamectin benzoate + Matrine, Chlorantraniliprole, phun định kỳ 10 ngày 1 lần từ lúc 30 ngày sau đậu quả, chú ý thời gian cách ly của thuốc BVTV trước khi thu hoạch;
  • Sử dụng biện pháp bao quả, bao vào thời điểm 35 – 40 ngày sau đậu quả. Trước khi bao quả nên tiến hành phun thuốc sâu bệnh.

i. Bệnh thán thư

Triệu chứng

  • Bệnh thán thư là bệnh phổ biến và gây hại nặng trên cây xoài. Bệnh gây hại trên lá, cành non, phát hoa, quả non và quả trưởng thành. Bệnh gây hại trên hầu hết các giống xoài.
  • Trên lá, bệnh xuất hiện với những đốm vàng nâu nhỏ phân bố trên bề mặt lá, sau đó chuyển sang nâu lan rộng ra, liên kết thành những mảng lớn, những đốm này có tâm nâu sáng đến nâu xám được bao quanh viền màu nâu đen và có quầng xanh vàng, giữa vết bệnh khô làm thành các lỗ thủng, lá biến dạng. Lá xoài non khichuyển từ màu đồng sang xanh là mẫn cảm nhất, lá rụng sớm. Trong trường hợp nhiễm nặng, chồi nhiễm bị cháy và chết khô.
  • Trên hoa, bệnh phát triển trên cả phát hoa làm chúng bị đen, rụng, không đậu quả. Bệnh còn phát triển trên các cành non của cây.
  • Trên quả, vết bệnh đầu tiên là những chấm nhỏ tròn, màu đen hơi lõm vào, sau đó vết bệnh lớn dần có màu nâu xám, thịt quả nơi vết bệnh bị chai sượng, vết bệnh lớn dần sau đó có vòng đồng tâm, nhiều vết bệnh liên kết lại thành đốm lan rộng và lõm sâu xuống, thịt quả bị thối, quả rụng nhiều.

Tác nhân gây bệnh

Do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra. Bệnh gây hại nặng trong điều kiện ẩm độ cao, mưa thường xuyên, đặc biệt trong những ngày có sương mù hoặc có mưa nhỏ kéo dài, nhất là những trận mưa đêm.

Hình 19. Triệu chứng bệnh thán thư trên lá và quả 

Biện pháp phòng chống

  • Cắt bỏ những cành vô hiệu, cành vượt, cành bị sâu bệnh, cành tổn thương do thu hoạch, thu gom và đem tiêu hủy
  • Bón phân theo quy trình canh tác, nên cung cấp nhiều phân hữu cơ cho cây kết hợp cung cấp nấm đối kháng Trichoderma vào đất xung quanh gốc cây
  • Phun thuốc gốc đồng để ngừa bệnh còn tồn trên cành, lá, sát trùng vết thương sau khi cắt tỉa
  • Không nên tưới nước lên tán cây khi cây bị bệnh
  • Phun thuốc khi thấy bệnh xuất hiện hoặc sau những cơn mưa, nhất lá mưa đêm bằng các loại thuốc BVTV có hoạt chất Propineb, Propiconazole, Mancozeb, Azoxystrobin,… Các giai đoạn cần chú ý là đọt non, cây vừa nhú mầm hoa (có >50% số cây có mầm hoa), khi cây ra hoa rộ (>50% phát hoa đã nở), khi cây đã đậu quả (>50% chùm hoa đã có quả trứng cá).

j. Bệnh đốm đen, xì mủ

Bệnh gây hại nghiêm trọng trên các vườn xoài, vi khuẩn có khả năng lưu tồn lâu trong lá, cành bệnh, xác bã thực vật hiện diện trên vườn.

Triệu chứng

Bệnh gây hại trên lá, thân và quả, bệnh tấn công trên nhiều giống xoài.

  • Trên lá: Ban đầu là những đốm nâu đen nhỏ, sau đó lớn dần, liên kết thành vết loét bất định. Ở chóp lá có các đốm nhỏ màu vàng, sau đó lớn dần và chuyển màu nâu đen, có quầng vàng xung quanh vết bệnh. Nhiều đốm bệnh liên kết thành mảng lớn sần sùi, làm thành một vùng trũng xuống so với bề mặt lá, sau đó khô, lá rụng.
  • Trên quả: Có những vết nứt dọc hình chân chim màu nâu đen, xung quanh có quầng vàng, đôi khi từ các vết nứt có mủ chảy ra. Quả non bị bệnh thường bị rụng, quả già hoặc chín thì thối từng mảng.

Hình 20. Triệu chứng bệnh đốm đen, xì mủ trên lá và quả xoài

Tác nhân gây bệnh

Do vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. mangeferae indicae gây ra. Vi khuẩn tồn tại trên lá và quả bệnh, theo mưa gió xâm nhập qua vết thương cơ giới hoặc vết chích hút của côn trùng.

Biện pháp phòng chống

  • Sau khi thu hoạch vệ sinh vườn, cắt bỏ những cành và lá bệnh, đem tiêu hủy
  • Tránh tạo vết thương trên cây, nên phun thuốc BVTV sau khi cắt tỉa, thu quả và nhất là sau các trận mưa
  • Nên bao quả bằng túi chuyên dùng giúp phòng ngừa bệnh này, nên chọn các vật liệu bao thoát nước tốt
  • Các hoạt chất BVTV sử dụng: Kasugamycin, Gentamicin sulfate + Oxytetracycline Hydrochloride, Copper Hydroxide.

k. Bệnh phấn trắng

Triệu chứng

Bệnh phấn trắng gây hại trên lá non, cành, trên hoa và quả. Nấm gây bệnh thường xuất hiện trên bề mặt các bộ phận của cây.

  • Trên lá non: Bề mặt lá bị bao phủ một lớp nấm màu trắng xám, nấm phát triển trên cả hai mặt lá, làm lá bị xoăn, còi cọc và chết khô.
  • Trên hoa: Tương tự trên lá, cả phát hoa bị bao phủ bởi lớp nấm màu trắng xám, làm cho hoa bị khô, đen và rụng đi.
  • Trên quả non: Bị một lớp phấn màu trắng xám bao phủ, quả bị khô đen và rụng đi. Nấm cũng tấn công ở giai đoạn quả phát triển, làm cho quả khô có thể rụng hoặc treo trên cây.

Tác nhân gây bệnh

Do nấm Oidium mangiferae gây ra. Nấm phát triển mạnh trong điều kiện có ẩm độ cao, nhiệt độ thấp. Nhiệt độ thích hợp cho nấm phát triển là 20-250C. Nấm phát tán chủ yếu nhờ gió và nẩy mầm trong điều kiện có sương. Bệnh xuất hiện nhiều trong điều kiện thời tiết mát, ẩm hoặc có sương đêm. Hoa và quả non rất mẫn cảm với bệnh.

Biện pháp phòng chống

  • Sau khi thu hoạch tiến hành cắt tỉa cành già cỏi, cành mang mầm bệnh, phát hoa, quả khô đen bị nhiễm bệnh còn sót lại của vụ trước, tỉa cành giúp vườn cây thông thoáng
  • Xới nhẹ gốc, tiến hành bón phân hữu cơ hoai mục, tưới hoặc rải nấm đối kháng Trichoderma
  • Sử dụng các loại thuốc BVTV hoạt chất như Sulfur, Propineb, Propiconazole, Mancozeb, Azoxystrobin,…để quản lý bệnh phấn trắng. Trong điều kiện vụ thuận nên phun ngừa khi những phát hoa bắt đầu nở, vào vụ thuận thời tiết không thuận lợi cho sự phát triển của nấm gây bệnh phấn trắng như nhiệt độ cao, ẩm độ thấp nên bệnh không nhiều. Tuy nhiên, ở vụ nghịch thời gian phun ngừa nên sớm hơn, khi những phát hoa bắt đầu bung chà, vào thời điểm này thường mưa nhiều, ẩm độ cao, thuận lợi cho bệnh phát triển.

l. Bệnh đốm bồ hóng

Triệu chứng

Hình 21. Triệu chứng bồ hóng trên lá

Đốm bồ hống thường xuất hiện trên lá, cành và quả. Nấm hiện diện trên các bộ phân của cây tạo thành những mảng bồ hóng đen, nấm không phá hủy tế bào mà có thể tự bong tróc ra, tuy nhiên bệnh này làm giảm khả năng quang hợp của lá và làm đen vỏ quả, làm giảm giá trị thương phẩm.

Tác nhân gây bệnh

Do nấm Capnodium mangiferae gây ra. Mật ngọt do nhóm chích hút tiết ra là môi trường thuận lợi cho nấm bồ hóng phát triển.

Biện pháp phòng chống

Chủ yếu là quản lý các loại rầy, rệp tiết mật giúp nấm phát triển. Có thể sử dụng các thuốc BVTV hoạt chất gốc đồng. Khi cây có bệnh hạn chế phun phân bón qua lá.

m. Bệnh đốm rong

Triệu chứng

Bệnh thường xuất hiện ở lá già, tảo tạo thành những đốm tròn màu cam, rỉ sắt mặt trên của lá, đường kính trung bình 3-6 mm, vết bệnh hơi lồi lên, phía trên có một lớp nhung mịn, chúng liên kết lại tạo thành những mãng lớn hơn có màu xanh vàng nhạt. Tảo không ăn sâu vào tế bào biểu bì lá, không làm chết tế bào nên tác hại không lớn, chỉ ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của lá.

Tác nhân gây bệnh

Do nấm Cephaleuros virescens gây ra. Chúng phát tán qua giọt nước, theo gió. Điều kiện môi trường nóng ẩm trong tán cây là thích hợp nhất cho tảo phát triển.

Hình 22. Triệu chứng bệnh đốm rong trên lá xoài

Biện pháp phòng chống

Trồng mật độ vừa phải và nên tỉa cây tạo sự thông thoáng cho cây. Phun trị bệnh bằng các loại thuốc trừ bệnh gốc đồng.

TIN LIÊN QUAN

Bình luận đã bị đóng.

Đăng ký nhận bản tin