Với việc nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh của các địa phương trên địa bàn, Đồng Tháp đã tạo điều kiện cho hơn 144.000 lao động trở lại làm việc.
Với sự nỗ lực của chính quyền tỉnh Đồng Tháp, đã có 9/12 huyện, thành phố trên địa bàn có số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh khôi phục sản xuất, đạt tỷ lệ trên 95% gồm TP. Hồng Ngự và các huyện Tam Nông, Thanh Bình và Lấp Vò. Hiện nay, có khoảng 8.700 cơ sở chưa khôi phục sản xuất tập trung chủ yếu tại huyện Tháp Mười, TP. Cao Lãnh và huyện Châu Thành.
Các địa phương có tỷ lệ khôi phục còn thấp sẽ tiếp tục hỗ trợ để tái sản xuất, không chỉ các doanh nghiệp mà các hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Đảm bảo vừa phòng, chống dịch, vừa thực hiện mục tiêu “kép” phát triển kinh tế, xã hội theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Theo ông Tống Văn Phong, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, thời gian qua dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thu mua, tiêu thụ mặt hàng nông sản của của hợp tác, nhiều đơn hàng bị ngưng hoặc gián đoạn. Tuy nhiên, nhờ sự đồng hành, hỗ trợ từ chính quyền địa phương đã nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hợp tác xã duy trì hoạt động, tìm kiếm, kết nối các đối tác để tiêu thụ nông sản cho người dân. Những đơn hàng vào các siêu thị lớn đã giúp hợp tác xã ổn định hơn về đầu ra, từng bước vượt qua khó khăn, thích ứng với điều kiện dịch bệnh.
“Các xã viên thấy được quyền lợi vào hợp tác xã nó ý nghĩa thế nào, trong lúc thương lái ở bên ngoài bế tắc họ phải co cụm lại tại vì họ không có đầu ra hợp đồng như hợp tác xã. Từ đó, chúng tôi liên kết với thành viên mới, cho đây là cơ hội cho họ, họ bán nông sản và theo các điều kiện của hợp tác xã” – ông Tống Văn Phong nói.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, để bắt nhịp phục hồi kinh tế, Đồng Tháp đã xây dựng 2 kịch bản phục hồi năm 2021, trong đó kịch bản 1 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 2,5% – 3,5% và kịch bản 2 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 3,5% – 4,5%.
Để đạt được mục tiêu này, Đồng Tháp tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để doanh nghiệp từng bước phục hồi.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, việc khôi phục sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc khôi phục phải đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch; an toàn mới sản xuất vì mục tiêu sức khỏe của người dân là trên hết. Vì vậy, đối với các địa phương sẽ tiếp tục phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chủ đầu tư nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
“Quan điểm lấy sức khỏe người dân là mục tiêu cao nhất, đo đó cũng phải từng bước khôi phục dần tất cả các lĩnh vực, khôi phục và phát triển sản xuất là một trong những trọng tâm trong thời gian tới. Đối với góc độ tỉnh và cũng là người đứng đầu của địa phương tôi cũng xin chia sẻ và đồng cảm đối với những khó khăn của các doanh nghiệp, của bà con. Với góc độ của tỉnh sẽ quyết tâm, sẽ thực hiện các giải pháp để sớm đưa tỉnh về trạng thái bình thường mới” – ông Phạm Thiện Nghĩa nói.
Một trong những tín hiệu vui đối với Đồng Tháp hiện nay là trong 46 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trên địa bàn với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng đến nay, đã có 6 dự án hoàn thành thủ tục và khởi động với tổng số vốn 254 tỷ đồng./.